Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình giáo dục cấp THPT.
Trước đó, Uỷ ban Văn hóa Giáo dục cũng có đề nghị tương tự. Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23/5, Uỷ ban Văn hóa Giáo dục gợi ý nên thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm hai phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn). Đề nghị này được đưa ra sau khi Uỷ ban phân tích về thời lượng, nội dung của môn Lịch sử.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.
Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tuỳ chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Một nữ sinh đọc thử cuốn sách về nhân vật Nam Phương Hoàng hậu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, tháng 1/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Được thông qua từ năm 2018 nhưng khi đưa vào triển khai, bắt đầu với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến môn Sử. Các ý kiến phản đối xuất phát từ lo ngại rằng, đưa Lịch sử thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông sẽ khiến học sinh "bỏ rơi" môn này, dẫn đến kiến thức lịch sử không được cung cấp đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của các thế hệ tiếp theo.
Nhiều chuyên gia, giáo viên nhận định đưa Sử thành môn lựa chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp là hợp lý và khẳng định vấn đề không nằm ở việc lựa chọn hay bắt buộc với môn Lịch sử. Điều cần bàn là nên dạy Sử như thế nào.
Đại diện một số trường THPT cũng cho rằng học sinh lựa chọn học Lịch sử hay không phụ thuộc vào sở thích của các em và cách dạy của giáo viên. Ở những trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, tỷ lệ học sinh lựa chọn học môn này ở cấp THPT theo khảo sát của trường đều trên 50%.
Tuy nhiên, một số đại biểu quốc hội và Uỷ ban Văn hóa Giáo dục cho rằng Lịch sử cần trở thành môn bắt buộc bởi môn học này giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động cho thế hệ trẻ, giúp các em có thái độ ứng xử đúng đắn trong xã hội. Ở nhiều quốc gia, Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới, Nghị quyết kỳ hợp thứ 3 Quốc hội khóa XV, thông qua ngày 16/6, cũng xác định sẽ bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Là một đơn vị sự nghiệp giáo dục nằm ở phía nam của huyện Xín Mần gồm 2 cấp học THCS và THPT được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở trường PTCS Nà Chì. Ban đầu còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên nhưng được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự tâm huyết...